Địa lý cà phê
ETHIOPIA: Cà phê Ethiopia có vị chua hơi gắt khá đặc trưng. Vùng Harar ở phía Đông Ethiopia có một loại cà phê đặc sản - nhờ một công nghệ sấy đặc biệt – mà có mùi hoa quả chín được lên men, vị rất tinh tế. Ethiopia là nước cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ cà phê đều đứng đầu châu Phi. Khoảng 12 triệu người Ethiopia sống nhờ thứ hạt nâu này. Ngoài Harar, một số đặc sản cà phê khác của Ethiopia là Sidamo và Yirgacheffe.
KENYA: Là quê hương của một số loại cà phê cân bằng và tinh tế nhất thế giới. Nó nổi bật với vị chua đậm, sánh nước, và độ quyện của những lớp mùi, vị.
TAZANIA: Nổi tiếng với loại cà phê đậu, có hạt tròn chứ không dẹt như thông thường. Cà phê của Tazania có khuynh hướng ngậy hơn, nặng hơn của Kenya, nhưng ít tinh tế hơn.
YEMEN: Nằm ở cực Tây Nam của bán đảo Ả Rập. Dù cách Hara của Ethiopia cả một biển Hồng Hải nhưng độ tinh tế và mùi quả chín của cà phê thì không cách nhau bao xa.
MEXICO: Hầu hết cà phê Mexico được trồng ở phía Nam và đều có vị chua. Nó nhẹ nên rất thích hợp cho các bữa ăn sáng, nhất là của người Mỹ. Những hiệu cà phê nổi tiếng Mexico là Altura, Liquidambar MS và Pluma Coixtepec.
GUATEMALA: Người Đức có công mang cà phê đến trồng ở Guatemala nhưng cây cà phê ở đây lại ngon hơn ở Đức. Cà phê Guatemala có mùi chocolate và vị thơm hơi chua, đặc biệt là những loại được trồng trên các sườn núi lửa ở phía Nam. Bạn không cần biết tiếng Guatemala mà vẫn có thể thưởng thức cà phê hảo hạng ở xứ này. Chỉ cần nhớ tên những nhãn hiệu như Antigua hay Huehuêtnango là đủ.
NICARAGUA: Ngon nhất ở Nicaragua là cà phê Sânt Lucia đến từ Mario Cerna. Cả độ ngậy, mùi chocolate và vị chua của nó đều vô cùng quyến rũ. Ngoài Mario Cerna, những vùng cà phê chính khác của Nicaragua là Matagalpa, Jinotega và Nueva Segovia.
COSTA RICA: Nổi tiếng với những loại cà phê có độ sạch và cân bằng cao. Thậm chí, chúng có thể áp đặt tính cách của mình lên những người "ba phải mùi vị". Từ thủ đô Sanjose, bạn có thể dễ dàng đi tới những vùng cà phê trứ danh như Dota, Tarrazu, Tres Rios, Heredia, Volcan Poaz nhưng bạn sẽ không dễ quên được những gì bạn đã nếm ở đó.
JAMAICA: Là nơi sản sinh ra Blue Mountain, một trong những loại cà phê đắt nhất, và vì thế mà cũng hay bị làm giả nhất thế giới. Không thể chỉ dùng thử vài dòng cà phê mà nói hết được sự đặc biệt của Blue Mountain. Ngày trước, nhắc đến Jamaica là người ta nghĩ ngay tới Blue Mountain. Ngày nay, vị thế này đã bị chia sẻ bởi cà phê Puerto Rico.
COLOMBIA: Ngành cà phê ở đây quan trọng đến mức bất cứ xe nào quá cảnh vào đất nước này đều phải xịt thuốc diệt khuẩn. Nhờ có khí hậu ẩm và vị trí khá cao so với mực nước biển, nhất là ở vùng núi Andes, cà phê Colombia tha hồ "làm vương làm tướng" so với các cây trồng khác. Những thương hiệu cà phê hàng đầu như Medellin, Supremo, Bogota… ngon không kém loại hảo hảng của Costa Rica, nhưng nhẹ và dịu hơn.
VENEZUELA: Cà phê nổi tiếng nước này là Maracaibo, lấy theo tên cảng chuyên chở cà phê. Kém hơn một chút là Tachira và Cucuta (gần biên giới Colombia) – có mùi vị cũng giống cà phê của nước láng giềng – và Menda, có vị ngọt, ít chua hơn.
BRAZIL: Nhiều người nghĩ rằng cà phê của Brazil - nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới – là một dạng lấy lượng bù chất. Sự thực không phải thế, đất nước Nam Mỹ này có những loại cà phê ngon tuyệt không kém gì bóng đá. Ví dụ như Bahia hay Bourbon Santos. Bihia là nơi Brazil sinh ra, còn Santos là nơi mà Brazil nổi tiếng nhờ cà phê.
HAWAII: Vùng Kona nằm trên đảo Hawail là nơi sản xuất ra một số loại cà phê đắt nhất thế giới. Mặc dù được trồng ở độ thấp nhưng cà phê Kona ngon không kém những loại tuyệt hảo, chỉ chịu ra quả ở độ cao 3000m trở lên. Cả độ chua, hương thơm mùi rượu vang, lẫn vị của cà phê Kona đều trên cả tuyệt vời.
ẤN ĐỘ: Nói đến cà phê của đất nước sông Hằng là người ta nhớ tới Moonsooned Malabar. Nhưng gần đây, cũng có một số loại ngon không kém, đậm vị mà dịu chua, đến từ vùng núi cao phía Nam như Baba Budan, Nilgiis hay Sheyaroy.
VIỆT NAM: Cà phê là một trong những tàn tích dễ chịu nhất từ những năm đô hộ của người Pháp. Giữa những năm 1860, nó chỉ thơm ở mấy biệt thự Tây của Hà Nội. Tới 150 năm sau, Việt Nam đã là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil.